Khoảng từ năm 2010, ở Việt Nam nổi lên các lời khuyên học tiếng Anh như:
“Muốn nói trôi chảy thì đừng học ngữ pháp”, “Học ngữ pháp sẽ làm giảm sự lưu loát trong khi nói”, “Học tiếng Anh như một đứa trẻ, và một đứa trẻ thì đâu có học ngữ pháp”.
Áp dụng những lời khuyên này mà không xét tới mục đích học tiếng Anh sẽ dẫn tới những cản trở lớn trên con đường học tập của người học.
Mục Lục
Nỗi sợ ngữ pháp và nguyên nhân
Ngữ pháp là nỗi sợ chung của mọi người khi học ngoại ngữ.
Nguyên nhân của nỗi sợ này là vì:
(a) Chúng ta luôn so sánh tiếng Anh với tiếng mẹ đẻ của mình, rồi thấy là từ trước tới giờ mình có học ngữ pháp tiếng Việt đâu mà vẫn nói lưu loát, còn qua tiếng Anh thì ôi thôi cái gì mà công thức tùm lum rắc rối quá.
(b) Chúng ta trải qua bao nhiêu năm học tiếng Anh trên ghế nhà trường với điểm số kém triền miên, làm mỗi khi nhắc tới môn Anh văn là kinh hãi.
Thành ra khi được nghe là “Muốn nói trôi chảy thì đừng học ngữ pháp” thì như là chúng ta vớ được bí kiếp, giải thoát chúng ta khỏi kẻ thù bao nhiêu năm nay. Chúng ta nghe theo mà không suy nghĩ thử những lời khuyên đó có phù hợp với ta hay không.
Ngữ pháp khi giao tiếp tiếng Anh có quan trọng không?
Có một lối nghĩ phổ biến trong các bạn trẻ rằng “Văn nói thì không quan trọng ngữ pháp, miễn người đối diện hiểu là được mà”.
Đúng là văn nói không yêu cầu các bạn sử dụng ngữ pháp phức tạp như văn viết, nhưng vẫn có yêu cầu tối thiểu rằng bạn nên sử dụng đúng những điểm ngữ pháp cơ bản để người nghe có thể hiểu ý của bạn mà không phải “cố gắng đoán xem ý bạn là gì”.
Giả sử trong môi trường làm việc, bạn sử dụng tiếng Anh để trao đổi với sếp, bạn sẽ mong muốn có thể diễn đạt ý rành mạch, dễ hiểu hay là nói câu mà sếp bạn phải vò đầu bứt tóc, cố gắng đoán ý của bạn (đoán sai chắc chết quá)?
Nếu việc học tiếng Anh như xây một căn nhà thì ngữ pháp chính là cột kèo để xây dựng một ngôi nhà đẹp đẽ, vững chắc. Sử dụng tiếng Anh đúng ngữ pháp sẽ giúp bạn diễn đạt ý kiến một cách rõ ràng và duy trì mức độ chuyên nghiệp đồng thời gây ấn tượng với đồng nghiệp và khách hàng.
Tiếng Anh không có ngữ pháp giống như một ngôi nhà chòi xiêu vẹo, chỉ dùng để chơi không dùng để ở được. Bỏ qua các kiến thức ngữ pháp có thể giúp bạn rút ngắn thời gian học tiếng Anh, tăng tốc độ nói nhanh hơn. Tuy nhiên sử dụng sai ngữ pháp có thể dẫn đến những câu vô nghĩa dẫn đến việc người nghe không hiểu hoặc hiểu sai.
Ai cần ngữ pháp, ai thì không cần?
Để biết bạn có nên chú trọng ngữ pháp hay không, cần xác định mục tiêu học tập của bạn, bạn cần dùng tiếng Anh cho việc gì.
Nếu bạn chỉ có nhu cầu sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với khách du lịch tới Việt Nam, để bán vài món đồ đơn giản, cuộc giao tiếp chỉ diễn ra chưa tới một phút, thì bạn chỉ cần nói tiếng bồi, là tiếng Anh không cần ngữ pháp gì cả, chỉ ghi nhớ vài mẫu câu và từ là được.
Nếu bạn học tiếng Anh như một đứa trẻ, có lẽ bạn sẽ có được trình độ tiếng Anh của một đứa trẻ mà thôi. Đứa trẻ thì chỉ mãi chơi đùa chứ không thể nào đi làm được.
Nếu bạn có mục tiêu cao hơn, như dùng tiếng Anh để làm việc với người nước ngoài, gây ấn tượng khi đi xin việc, tạo mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, hay đối tác với họ, thì bạn sẽ cần biết các điểm ngữ pháp cơ bản để có thể nói và viết những câu tiếng Anh hoàn chỉnh khi thuyết trình, giao dịch, hội họp
Nếu bạn có mục tiêu cao hơn nữa, là dùng tiếng Anh để học tập các chương trình cao đẳng, đại học ở nước ngoài, bạn sẽ cần học ngữ pháp chuyên sâu để có thể đọc hiểu được các quyển sách chuyên ngành, làm được những bài báo cáo, thuyết trình , thi cử…
Kết luận
Ngữ pháp không cần thiết nếu bạn chỉ sử dụng tiếng Anh để giao tiếp đơn giản với khách du lịch.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn sử dụng tiếng Anh để vươn lên trong công việc và học tập, thì bắt buộc phải biết tới ngữ pháp (căn bản hay chuyên sâu).
Vậy, đừng mù quán nghe theo các lời khuyên trên mạng, mà hãy xác định mục tiêu học tập của mình.
Nếu bạn cần tiếng Anh để làm việc và học tập, hãy tìm một phương pháp tiếp thu ngữ pháp phù hợp với bạn để nâng tầm tiếng Anh của mình nhé!
Ở Simple English, học viên sẽ được tiếp cận cách học ngữ pháp chủ động và hiệu quả thông qua phương pháp độc quyền RESTA – Học ngữ pháp bằng cách nói.
Khác với cách học ngữ pháp truyền thống là cố gắng nhồi nhét các điểm ngữ pháp khô cứng mà không thật sự hiểu nghĩa của chúng dẫn đến tình trạng “sợ ngữ pháp”.
Đến với SE, bạn sẽ được thực hành điểm ngữ pháp tại lớp thông qua hoạt động speaking phản xạ.
RESTA giúp bạn tiếp cận ngữ pháp với cái nhìn gần gũi hơn, áp dụng trực tiếp ngay vào các tình huống thực tế, hiểu cách sử dụng ngữ pháp tại lớp đồng thời tăng khả năng ghi nhớ.
Một buổi học ngữ pháp là một buổi học speaking. Từ đó giúp học viên tăng nhanh khả năng speaking lưu loát và chính xác.