Học sâu là học bằng cách lặp đi lặp lại một thứ nhiều lần.
Trong khi học sâu, những điều một người nên ưu tiên tập trung vào đó là: những từ vựng phổ biến nhất, những mẫu câu thông dụng nhất, những cấu trúc ngữ pháp căn bản nhất (như thì quá khứ đơn, tương lai đơn, hiện tại đơn, hiện tại tiếp diễn).
Khi học sâu, bạn có thể lặp lại cùng một bài nhiều lần; hoặc bạn cũng có thể học nhiều bài về cùng một chủ đề, thuộc cùng một cấp độ, có những từ vựng lặp đi lặp lại.
Trái ngược với học sâu là cách học truyền thống ở trường.
Ở trường, bạn luôn bị thúc đẩy phải đi thật nhanh, phải liên tục học cái mới. Mỗi buổi, bạn phải học 20 từ mới. Mỗi tuần, bạn lại học vài điểm ngữ pháp mới.
Từ vựng mới, ngữ pháp mới, từ vựng mới, ngữ pháp mới, liên tục và liên tục. Chưa kịp hiểu cái mình đang học là gì, bạn đã phải nhảy qua học cái mới ngay lập tức.
Lợi ích của việc học sâu
Nếu bạn không học sâu, bạn có thể học nhiều đấy nhưng rồi bạn quên hết.
Hoặc, bạn nhớ được sơ sơ một cấu trúc gì đó nhưng bạn không thể dùng được nó.
Ví dụ, tất cả học sinh học tiếng Anh đều học thì quá khứ đơn.
Nhưng họ chỉ học nó trong thời gian rất ngắn. Nhanh sau đó, họ chuyển sang học ngữ pháp mới, học những thứ khác.
Họ học hiện tại hoàn thành, quá khứ tiếp diễn, quá khứ hoàn thành, vân vân.
Họ không học sâu thì quá khứ đơn và chưa bao giờ dùng được nó trôi chảy. Vậy nên, khi nói họ vẫn phạm lỗi với thì quá khứ.
Ai cũng biết là khi học một môn thể thao hay một kỹ năng nào đó, bạn phải lặp đi lặp lại những động tác nhất định rất nhiều lần.
Những cầu thủ bóng đá tập những cú chuyền, cú sút căn bản rất nhiều lần để có thể thực hiện chúng một cách chính xác, dễ dàng.
Một nhạc công phải tập luyện những hợp âm căn bản hàng trăm, hàng nghìn giờ để thành thạo chúng.
Tại sao chúng ta nói tiếng Việt một cách tự nhiên, không phải nỗ lực gì?
Bởi vì chúng ta đã nghe, đọc, và sử dụng tiếng Việt hàng chục năm.
Những từ ngữ thông dụng, những câu nói hằng ngày, tất cả đã đi vào não chúng ta liên tục từ khi chúng ta sinh ra đến bây giờ.
Chúng ta đã tiếp xúc với tiếng Việt quá nhiều, và nó đã in sâu vào bộ nhớ dài hạn của ta rồi.
Cũng như vậy, để sử dụng một cấu trúc tiếng Anh nào đó trôi chảy, tự nhiên, bạn cần phải nghe và sử dụng nó rất nhiều lần.
Nếu bạn muốn học tiếng Anh để dùng chứ không chỉ để biết, bạn phải học tiếng Anh như cách bạn học một kỹ năng.
Bạn vẫn sẽ học những từ vựng và ngữ pháp “cao cấp” hơn, nhưng sự tập trung của bạn hãy dồn vào những thứ căn bản nhất, nền tảng nhất, hữu dụng nhất, và lặp đi lặp lại chúng thường xuyên.