Làm Thế Nào Để Giữ Kỷ Luật Khi Học Tiếng Anh?

Bạn có đang là một người thiếu kỷ luật, thích trì hoãn, và sống cùng châm ngôn ‘để mai tính’?

Mình cũng từng là một người như thế đối với mọi việc trong cuộc sống.

Từ việc cá nhân như rửa chén, nấu ăn đến việc học tập, và đặc biệt là việc học tiếng Anh.

Mình lãng phí suốt 3 năm đại học làm bạn với ‘TRÌ HOÃN’.

Mình bước chân vào giảng đường đại học với khả năng tiếng Anh nhỉnh hơn rất nhiều bạn khác trong lớp.

Nhưng suốt 3 năm đầu đại học, mình chỉ học khi mình ‘CÓ HỨNG’.

Các bạn biết rồi đấy, đâu phải lúc nào cũng ‘CÓ HỨNG’, mà con người chúng ta lại thường ‘NUÔNG CHIỀU MÌNH’ và có xu hướng ‘GIẢI TRÍ’ nhiều hơn.

Mình đã đặt ra vô vàn mục tiêu trong đầu, nhưng đáp lại các mục tiêu đó bằng những lời ngụy biện ‘rằng, thì, là, mà’.

Và cái kết chắc các bạn cũng đoán được rồi chứ? Khả năng tiếng Anh của mình dậm chân tại chỗ.

Đến cuối năm ba, bị ‘bỏ lại’, và ‘thất bại’ với chính bản thân mình, mình đã rất ân hận, day dứt: ‘Giá mà mình cố gắng nhiều hơn, giá mà mình kỷ luật hơn, giá mà mình….’

Nhưng tự trách mình thì làm được gì? Tự trách hay dằn vặt bản thân chẳng có tác dụng gì cả, chẳng giúp bạn lấy lại thời gian, hay có phép màu làm mình tiến bộ hơn?

Thế là sau cú chốt hạ đau đớn đó, mình nhận ra PHẢI HÀNH ĐỘNG.

Vậy tại sao ‘Học ngoại ngữ hay học bất kì một kỹ năng gì đó, mình cần KỶ LUẬT?’

Đơn giản là vì ‘Học ngoại ngữ hay bất kì kĩ năng nào’ là cả một QUÁ TRÌNH trau dồi, mà đã là QUÁ TRÌNH, muốn duy trì nó thì phải có KỶ LUẬT.

KỶ LUẬT sẽ tạo thành THÓI QUEN.

Mình đã tìm hiểu và thử áp dụng những tips sau đây để mình rèn luyện tính kỷ luật cho bản thân để học ngoại ngữ.

1. XÂY DỰNG FRAMEWORK ĐỘNG CƠ HỌC TẬP- DUY TRÌ ĐỘNG LỰC

‘ĐỘNG LỰC’ chỉ giúp ta có cảm hứng học, quyết tâm học trong một khoảng thời gian nào đó, sẽ có nhiều ngày mình mất động lực.

Vậy làm thế nào để DUY TRÌ động lực?

Hãy liệt kê tất cả những lí do tại sao mình muốn học tiếng Anh?

Và liệt kê một cách cụ thể nhất.

Sẽ có rất nhiều lí do mình muốn học như là: mình muốn xem phim không nhìn sub, muốn hát nhạc tiếng Anh, muốn kết bạn với nhiều người, đi du lịch, hay thi chứng chỉ nào đó.  Và hãy chọn lí do nào quan trọng nhất,  ‘làm dấu’ nó bằng cách khoanh tròn hay highlight chẳng hạn.

Sau đó, hãy tìm một góc nào đó mình dễ thấy, ngay bàn học, dán nó lên tường.

Tờ giấy ‘tuy nhỏ nhưng có võ’, mỗi ngày mình ‘lười’, sao không có hứng học, hãy nhìn vào lí do mình bắt đầu, mục tiêu của mình học tiếng Anh là gì. Đó sẽ là ‘chiếc báo thức nhắc nhở’ bản thân mỗi ngày. 

2. XÂY DỰNG LỊCH TRÌNH HỌC CỤ THỂ MỖI NGÀY

Mỗi người đều có một mục tiêu học ngoại ngữ riêng, và để đạt được mục tiêu đó, mình cũng có một lộ trình cụ thể riêng. Hãy tìm hiểu xem để đạt được mục tiêu đó, mình cần làm những gì. Sau đó, chia nhỏ các mục cần làm và lên lịch cụ thể nhất.

Chẳng hạn, mục tiêu học ngoại ngữ của mình để giao tiếp với khách hàng của mình.

Ôn lại ngữ pháp căn bản là một phần quan trọng để mình có thể đạt mục tiêu giao tiếp. Tiếp đó, mình lại chia nhỏ phần ngữ pháp căn bản ra thành các phần nhỏ hơn: ôn 12 thì cơ bản trong tiếng Anh, cấu trúc bị động, cấu trúc tường thuật, v.v. Và mình lại chia 12 thì ra thành phần nhỏ hơn: mỗi ngày mình ôn 2 thì.

Tại sao việc xây dựng lịch trình học cụ thể mỗi ngày giúp bạn có tính kỷ luật hơn? Vì sự cụ thể sẽ giúp bạn đỡ chần chừ hơn. Đơn giản, chẳng phải mỗi lần ngồi vào bàn, không có một lịch trình cụ thể, lại cảm thấy trước mắt như một ‘mớ bùi nhùi’: ‘Nên bắt đầu từ cái nào trước nhỉ?’, ‘Ôn thì hay luyện nghe?’ .

Sau khi thực hiện được nhiệm vụ nhỏ nào, các bạn hãy đánh dấu tick vào ô trống trước mục đó. Và hôm nào ‘lười’, mở sổ ra, không thấy một dấu ‘tick’ nào, đó cũng là lời nhắc nhở mình. Chẳng hạn, mình thì mình hay ghi một câu ‘răn đe’ nhẹ nhàng và cảnh tỉnh mình khi chưa chăm, và tự khen mình khi mình hoàn thành tốt nè.

3. HÃY LÀM THÔI

Nghe có vẻ dễ dàng, cơ mà khó lắm à nhen! Con người ta hay có xu hướng đã làm gì rồi thì sẽ có TRỚN. Chỉ cần bắt tay vô viết bài 2 phút thôi thì sẽ có trớn viết tiếp. Chỉ cần đọc sách bookworm 5 trang  thôi là có trớn chiến luôn 50 trang còn lại. Vì lúc đó, mình đã bắt được ‘NHỊP ‘ rồi.

Cơ mà làm thế nào để thôi thúc mình ngồi dậy để có trớn học?

Với mình, mình vừa dùng chiêu ‘DỤ’, vừa ‘KÍCH TƯỚNG’. Mình khiêu khích bản thân mình: ‘Chờ biết đến khi nào mới xong? Muốn giỏi không?’ và dụ bản thân. Tức là: ‘Thôi, ráng đi, viết 2 phút thôi rồi nghỉ ngơi nè, viết vui mà?’, ‘Ừ thì đọc thử trang đầu xem có hay không?’, ‘Thôi xem thử 2 phút thôi xem có hiểu không?’

Chung quy lại, để bản thân chúng ta rèn được kỷ luật cũng là cả MỘT QUÁ TRÌNH. Nếu ai cũng kỷ luật thì chắc ai cũng thành công rồi nhỉ? Bạn muốn thành công? Hãy tập cho mình ngay sau khi đọc bài viết này nhé!

Doanh nhân Jim Rohn có câu:

‘Chúng ta phải lựa chọn:

– Nỗi đau của sự kỷ luật

– Hay nỗi đau của sự đau đớn?’

Quyết định là ở CHÚNG TA. Chưa bao giờ là quá muộn để rèn tính kỷ luật cho bản thân cả.

Ms. Huệ – Simple English Teacher

Đăng ký nhận bài viết

Get updates and learn from the best

Test Level Miễn Phí

Mời bạn tham gia test level để được tư vấn lộ trình học hiệu quả, phù hợp dành riêng cho bạn.

Tìm hiểu khóa học
tại Simple English

Lộ trình học rõ ràng | Học thử miễn phí